BHUTAN KÝ SỰ
BÀI 2
Ăn chơi ở Bhutan
Trong lịch trình đi Bhutan, theo sự sắp xếp của các đồng nghiệp đã làm việc ở Bhutan, tôi đến Thimphu vào chiều thứ bảy, sẽ được nghỉ ngơi buổi tối để lấy sức, ngày chủ nhật sẽ dành toàn bộ sức lực đi tham quan tu viện Taktsang hay còn gọi là Tiger’s Nest. Một trong những địa danh nổi tiếng của Bhutan mà ai cũng phải đến đây để được công nhận là “đã tới Bhutan” .
Đêm thứ bảy, sau khi ăn tối, người đồng nghiệp cho biết, tại trung tâm thủ đô Thimphu có vài tụ điểm “ăn chơi” được phép mở cửa duy nhất tối thứ bảy, có cả một vũ trường. Anh đồng nghiệp mời tôi đến một bar trong số đó để biết về đời sống “mới” của Thimphu. Tuy không có trong chương trình nhưng tôi vui vẻ nhận lời.
Trong suốt hơn 1000 năm qua, vương quốc nhỏ bé mà người địa phương gọi là Bruk Yul, “Mảnh đất của rồng sấm sét” đã trải qua một sự cô lập đáng kỳ lạ. Đất nước có diện tích bằng Thuỵ Sỹ nằm lọt thỏm trên những nếp gấp thuộc các dãy núi đá cao, giữa hai đất nước khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ. Nó khép kín với thế giới không chỉ bởi vị trí địa lý mà còn cả chính sách thận trọng của mình. Đất nước này không có đường xá, không có điện, không xe gắn máy, không điện thoại cho đến năm 1960. Ngay cả ngày nay, những cảnh đẹp quyến rũ của nó luôn khiến người ta nghĩ về thời quá khứ năm xưa, những ngôi đền cổ nằm chọc trời trên những ngọn núi phủ đầy mây, những ngọn núi thiêng không dấu chân người nằm ẩn hiện trên những dòng sông và những khu rừng ban sơ, một ngôi nhà gỗ không có người, vốn được xây cho vị Quốc Vương nhân từ và một trong bốn người vợ của ông … . Không du khách nào có thể cưỡng lại vẻ đẹp của Bhutan, như trong tiểu thuyết Lost Horizon (Chân trời đã mất) của nhà văn Anh Lames Hilton được miêu tả và gọi nơi này là Shangri-la. Trong tiểu thuyết này, "Shangri-La" là một thung lũng huyền thoại, dẫn đến từ một tu viện Lạt-ma giáo, nằm trong vùng phía tây cuối dãy núi Hymalaya. Shangri-La đã trở nên đồng nghĩa với bất kỳ thiên đường hạ giới nào, đặc biệt với xã hội không tưởng Hymalaya huyền thoại - một vùng đất hạnh phúc vĩnh viễn, biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong tiểu thuyết Lost Horizon, những người sinh sống ở Shangri-La gần như bất tử, sống lâu vượt quá tuổi thọ thông thường và chỉ có bề ngoài lão hóa rất chậm.
Người đồng nghiệp của tôi có nhân viên là một anh bạn trẻ, là một chàng trai Việt Nam mới 23 tuổi, tốt nghiệp một trường đại học tại Singapore, đã từng sống ngắn tại Mỹ, quyết tâm thử thách đời mình bằng cách xin vào làm việc tại công ty - nơi tôi cũng làm việc - và đầu quân 1-2 năm làm việc tại Bhutan. Anh bạn trẻ này có nick là Matt, tôi chưa rõ Matt nghĩa là gì, tuy nhiên nick dễ gọi và thân thiện nên cứ thế mà gọi Matt.
Matt biết nhiều nơi “độc đáo” ở Thimphu và đưa tôi cùng anh đồng nghiệp vào một bar ngay trung tâm thủ đô. Chúng tôi vào bar, ngay giữa bar là các bộ bàn bằng gỗ, ghế ngồi có một tấm nệm nhỏ. Xung quanh ar có để vài sofa trải dài dọc theo bên tường. Bên tay trái là quầy bar với tủ rượu và ly treo ngược. Nhìn thẳng vào bên trong là một sân khấu nhỏ với dàn trống, dây điện thả dưới đất và một vài hình ảnh treo trang trí bên trên trần. Về cơ bản, cách bài trí bar này tương đương một bar “bình dân” mà hầu như có thể rất dể tìm thấy ở các tụ điểm ăn chơi ở Sài Gòn, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão hay một vài quán bar nằm ở khu Hoàng Việt Tân Bình.
Chúng tôi vào Bar vào lúc 9:30 tối, điều ngạc nhiên là tôi không thấy một người khách nào ngoài ba anh em chúng tôi, Matt hơi bối rối chút – vì nghĩ là khách ít ra cũng đã có dăm đôi người rồi – Matt thường xuyên đến đây hoặc đã lâu không đến đây nên không nhận ra sự thay đổi. Matt đến quầy gọi mấy ly Whisky, nhưng anh bạn đồng nghiệp quyết định gọi cả một chai Whisky. Chai rượu này là Whisky do chính người Bhutan sản xuất, màu sắc và mùi vị tương đương những chai Whisky ngoại nhập khác, duy chỉ cái chai trông hơi to và thiết kế chai ít bắt mắt.
Anh bạn đồng nghiệp tôi đã sang Bhutan gần 3 năm và đang quyết tâm “cãi” thành người Bhutan ! Anh ấy đã bỏ rượu, bỏ thuốc lá. Nhưng để chiều tôi anh ấy đã gọi cả chai Whisky còn anh ấy thì không uống ! Anh ấy nói “cứ mua cả chai, nếu uống không hết thì cầm về” không sao cả.
Tôi và Matt cùng anh đồng nghiệp nâng ly, mừng ngày đâu tiên đến Bhutan. Ngồi được một chút thì có vài người khách, một nhóm 3 phụ nữ vào quán, họ ăn mặc trẻ trung, quần bó áo thun, chúng tôi đoán họ là những phụ nữ ở tầng lớp “trên” của Thimphu - những người có tiền ở Bhutan. Nhóm nữ này ngồi ở các sofa dọc theo vách tường, họ gọi nước uống, hình như là nước đóng lon hay một loại Spy gì đó, do quán để đèn hơi tối nên tôi không nhìn rõ.
Rồi các nhóm khách tiếp tục vào, lúc này có rất nhiều người nước ngoài – người phương Tây - Những người nước ngoài này chắc đã tới lui thường xuyên nơi này nên rất tự nhiên chào hỏi những người trong Bar và cười nói ồn ào.
Một band nhạc cũng xuất hiện, một tay trống, một tay pianist chỉ huy, 3 tay guita và một singer nam. Band nhạc này vào chỉnh âm thanh và micro, họ chỉnh tới chỉnh lui, thổi vào micro “phù phù, chít chít”, làm đi làm lại trông hơi kém chuyên nghiệp, tay guitar nào cũng dây nhợ lĩnh kỉnh rồi thử tới thử lui. Khoản hơn 10 phút thì dàn âm thanh tạm ổn.
Anh chàng singer, để tóc dài và uốn xoăn tít như một nghệ sĩ thực thụ. Chàng ca sỹ bước ra giữa sân khấu chào mọi người, giới thiệu bằng một giọng tiếng Anh kiểu Bhutan pha lẫn lối giới thiệu thường thấy của ca sỹ ... miệt vườn, lúc to lúc nhỏ xù xi trong họng, hoặc nhe răng cười …. Các khán giả phương Tây đã quen với cách này rồi, ồ lên phân khích và hò hét “come on !” .
Anh chàng ca sỹ bắt đầu biểu diễn một bài nhạc rock cuồng nhiệt đầu tiên, cùng với 3 tay Guitar cũng cuồn không kém, liên tục nhảy múa, chàng singer cuối thấp lấy hơi để mái tóc trùm gương mặt, rồi sau đó ngẫng đầu lên, hất mặt cho mái tóc “bung ra”, lộ gương mặt và bước đi “rầm rập” xông lên phía trước, trông thật phấn khích và cũng có phần nào “hơi lúa” một chút với một band nhạc của Bhutan.
Không gian trong quán trở nên sôi động…
Matt và tôi nghiêng ngã theo điệu nhạc, chai rượu whisky rót thêm ra ly vài hiệp nữa. Mặc dù đã ăn tối, nhưng tôi nói với Matt, phải có chút gì đó nhấm nháp, uống whisky chay này nóng cổ quá ! Thế là Matt ra tay, đi một vòng rồi quay lại, một lúc sau có 2 dĩa “mồi” là xúc xích và một món thịt nướng của Bhutan được để lên bàn.
Thimphu lúc này nhiệt độ bên ngoài quán khoản 11 độ C, rượu wishky, nhạc rock làm cho cơ thể nóng lên, chống chọi lại phần nào với nhiệt độ của Thimphu. Tôi không biết và cũng không nhớ điều gì đặc biệt, tôi và Matt đã uống hết chai whisky ! Anh bạn đồng nghiệp chỉ ngồi phụ hoạ với duy nhất 1 lần rót whisky trong ly. Tôi chếnh choáng đứng dậy và nói “ Mình về thôi “ !
Anh bạn đồng nghiệp đã lo việc thanh toán từ trước đó, nhanh chóng cùng tôi và Matt tiến ra cửa, bước ra ngoài, lúc này đã gần 11g đêm, gió nhẹ nhưng lạnh buốt. Bất chợt, Matt mời tôi, “Anh và em uống hết chai whisky thật là không ngờ... lần đầu tiên em uống nhiều như vậy, bây giờ hơi say rồi, anh Thuận bước qua vũ trường duy nhất, đỉnh nhất của Thimphu chơi một chút cho vui nha, chỉ cách chừng 20 bước chân thôi, vào cho biết, nhún nhảy chút cho giã rượu” ! Anh bạn đồng nghiệp cũng cổ vũ…. thế là cả 3 chúng tôi bước qua vũ trường cách vài gian nhà nữa.
Matt nhanh chóng lấy vé vào vũ trường. Vũ trường này bán vé để vào trong nhảy nhót, có một quầy Bar bên trong, sàn nhảy trên nền xi măng gạch men, sàn nhảy cỡ 6x10 m và khá tối, cạnh cửa vào và cuối sàn nhảy có để vài bộ sofa dài. Tôi, có lẽ đã say với chai whisky bên bar rượu nên nhanh chóng bước tơi sofa cuối sàn và ngồi xuống đó. Matt quay lại trên tay lại cầm 2 ly rượu nữa đưa cho tôi 1 ly. Tôi cầm ly rượu và hoàn toàn ý thức được là mình không thể uống được nữa! Chỉ thêm 1 giọt rượu nữa thôi thì sẽ “tràn ly” !
Sàn nhảy lúc này chỉ có dăm ba người theo nhóm đang nhún nhảy theo điệu nhạc, tôi không thấy DJ nhưng nhạc disco phát từ hệ thống âm thanh cũng phấn khích lắm! Tôi quyết định để ly rượu trên thành ghế sofa và tiến ra sàn nhún nhảy với nhạc…
Nhún nhảy, lắc lư phấn khích bên các thùng loa “ầm ầm” xem ra hiệu quả với phần whisky trong cơ thể, Matt cũng ra sàn, tiến đến chổ tôi rồi ghé tai nói “Vũ trường này sau 11g dân chơi mới tụ tập và sẽ ‘quậy’ cho tới 3g sáng ! Sau đó sẽ đi tiếp đến tượng Phật trên núi để quậy tới .. sáng “ – Nói tương Phật trên núi là khu vực có tượng Phật ở vị trí có thể nhìn thấy toàn bộ Thimphu chứ không phải là quậy ở chổ có tượng Phật. Matt cũng cảnh báo với tôi là vũ trường này chỉ mở cửa duy nhất vào tối thứ bảy, nhưng hầu như khi kết thúc đóng cửa vũ trường lúc 3g sáng thì làm gì cũng có đánh nhau do các chàng Bhutanese tranh nhau một Bhutan girl nào đó !
Đúng như Matt nói, chỉ khoản 11g30, vũ trường đã đông kín, sàn nhảy lúc này chật cứng, chắc phải đến vài trăm người đến sàn lúc này, nhạc rock, dance music mở dồn dập, dancer càng cuồng loạn, tôi thấy có những nhóm đi 2 bạn nữ nhảy với nhau, những nhóm 5, 6 bạn, các đôi đến chơi vui, các thnh niên nam đơn, nữ đơn đến vui hoặc đến để kết thành đôi… Các khách chơi đến đây, là người Bhutan hay khách nước ngoài, đa số họ không ăn mặc theo trang phục truyền thống của Bhutan, đàn ông không mặc Gho cũng như phụ nữ không mặc Kira, các cô gái mặc váy rất quyến rũ, đàn ông thi quần tây áo sơ mi hoặc là áo thun.
Trong âm thanh sôi động, nam nữ cuồng nhiệt nhảy múa, sự va chạm và hưng phấn lên cao trào, tôi cảm nhận những ai đến đây đêm nay, ắt hẳn là họ rất thich, bởi vì nó rất phấn khích, nó đưa con người trở về trạng thái bản năng nhất, xa cách với mọi chuẩn mực mà một xã hội thuần khiết trên nền tảng đạo đức Phật giáo như Bhutan.
Môt cô gái khá xinh xắn và rất trẻ - tôi nghĩ vậy - nhảy gần tôi, đánh bạo tôi ghé sát tai cô ấy nói “Hello”. Cô ấy cũng ghé sát tai tôi và chào lại. Tôi nói là tôi mới từ Việt Nam qua Bhutan lần đầu cho business, và thấy rất phấn khích ở vũ trường tối nay. Cô ấy nói cô ấy 19 tuổi là sinh viên. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Ở Bhutan, ngôn ngữ tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Dzongkha bắt buộc trong chương trình giáo dục, do đó nếu ai được đi học thì chắc chắn họ có thể nói được tiếng Anh.
Thế rồi chúng tôi nhảy chung với nhau. Cô bé này đi chung 1 nhóm bạn 5,6 người gì đó, nhưng cô bé sẵn sàng tách riêng và nhảy với tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau, nhưng mỗi lần muốn nói gì, người này phải áp sát vào người kia, để miệng vào sát tai người kia để nói vì vũ trường rất đông và nhạc thì vô cùng ồn ào. Chúng tôi vẫn vừa nhảy vừa hỏi chuyện nhau, tôi cảm nhận cô gái đang muốn được nói chuyện với tôi nhiều hơn, một cô gái địa phương gặp một người nước ngoài..
Cảm xúc của tôi lúc đó như thế này … Tôi nhớ lại gần hai mươi lăm năm trước ở Sài Gòn, tôi vừa tốt nghiệp đại học và may mắn xin được việc làm tại một công ty liên doanh của Pháp. Ông chủ đầu tiên của tôi là người Pháp, vào thời gian đó (1990), thỉnh thoảng ông chủ người Pháp dắt tôi đi chơi các vũ trường ở Sài Gòn (lúc này Việt Nam cũng vừa mở cửa với thế giới, cho phép đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mở các vũ trường….). Vũ trường ở Sài Gòn cũng hoành tráng chứ không “lúa” như vũ trường ở Thimphu này. Tôi còn nhớ, tôi có một cô bạn gái, ông chủ của tôi đưa chúng tôi tới vũ trường “hoành tráng nhất” vào thời gian đó là vũ trường Saigon Floatting Hotel, là một khách sạn nổi 5 sao trên một con tàu từ Úc kéo sang neo đậu ở bờ sông Sài Gòn. Trong đêm vui nhộn ở sàn nhảy trên con tàu 5 sao Sài Gòn năm ấy, cô bạn của tôi, quen một chàng trai Tây ngay trong đêm ấy! Ánh mắt, sự háo hức, cảm giác một cô gái Việt được kết bạn với một người nước ngoài “văn minh” đã nhập ngay vào cô bạn gái của tôi….. một năm sau đó cô bạn của tôi lấy một người nước ngoài hơn cô ấy rất nhiều tuổi (không phải người khách nước ngoài quen trong đêm vũ trường).
Tôi không so sánh mình như anh chàng phương Tây năm nào ở vũ trường Saigon Floating Hotel, tôi cũng không có ý nghĩ cô gái Bhutan 19 tuổi thích tôi như cô bạn gái cũ của tôi thích anh chàng Tây, nhưng tôi chắc chắn rằng, những cô gái trẻ Bhutan hôm nay, khi đất nước Bhutan vừa mới khai sáng, thì những người nước ngoài (kể cà người Việt Nam), nếu họ đến Bhutan để làm việc, thì trong mắt những cô gái - Họ ước muốn chí ít là được kết bạn với những ‘người nước ngoài” này.
Tôi định sẽ nói với cô gái Bhutan, là tôi muốn kết bạn với cô ấy.
Trong lúc tôi tính áp sát, dự định sẽ mời cô ây rời khỏi khu vực sàn nhảy, ra phía trước vũ trường cho thoáng để nói chuyện, thì trời ơi tôi thấy … “mắc ói “ !!!
“Mắc ói” hay buồn nôn ! Ngày nay chê bôi, hay gặp phải một hình ảnh/con người phản cảm, xấu xí, người trẻ hay dùng từ này. Nhưng trong trường hợp của tôi thì không ! Tôi buồn nôn thật ! Chai whisky của Matt đưa tôi đến “tình trạng” như vậy !
Thay vì áp sát để nói với cô gái Bhutan điều tôi mong ước, thì tôi lại áp sát tai cô ấy, nói “sorry”, tôi phải đi ra ngoài một chút !
Cô ấy chắc là cũng chưa hiểu điều gì, hơi chút ngạc nhiên, và có lẽ cũng không quan trọng lắm, ở đây mọi người đến để vui mà ! Nhưng sự thật dường như tôi đã làm cô gái “mất hứng”, tôi có biết chút ít về cách nhìn người qua cử chỉ.. cô gái mở nụ cười với tôi, không phải tiếc nuối nhưng có lẽ “người nước ngoài” không nên như vậy với mình ! Và tôi, lần đầu tiên nhận thức được mình vừa gặp một cô gái Bhutan thật là xinh !
Chai rượu của Matt đẩy tôi nhanh chóng rời xa cô gái Bhutan ở sàn nhảy để đi ra khu vực WC bên ngoài .
Sau gần 10 phút ở bên ngoài sàn, tôi tỉnh táo hơn chút, tôi ghé vào bar tìm một ly trà nóng. Uống hết ly trà, tôi thấy mình khá hơn, tôi thấy ước gì mình không có uống nhiều rượu với Matt thì có thể đã có nhiều chuyện “hay ho hơn” !
Tôi lần vào sàn nhảy, lúc này đã đông kín ! 50% nghĩ rằng sẽ gặp lại “cô ấy” và 50% nghĩ rằng mình nên rời khỏi nơi này. Tôi đi - không tôi nhích - từ đầu quầy bar đến cuối quầy bar chổ dãy sofa, tôi gặp lại anh đồng nghiệp vẫn ngồi ở đó ! Anh bạn của tôi chỉ thích “chiều” tôi thôi, chứ anh chẳng hứng thú gì việc nhảy nhót. Ở chổ anh ngồi, kế bên có một cô gái Bhutan khác, đang say mướt ! Như lời anh kể, đã có một người đàn ông dìu cô này đến chổ trống ghế gần anh để “nghỉ mệt” , một người đàn ông khác lại chăm sóc cho cô ấy, nhưng cô ấy gục một bên sofa để “ngủ” không quan tâm ai dìu hay chăm sóc mình. Một lúc sau, một thanh niên khác đến tiếp tục vỗ về và chăm sóc cô gái.
Nhìn qua thấy cô gái khá xinh và ăn mặc khá “nóng”, anh bạn đồng nghiệp của tôi, nói rằng, ban đầu anh nghĩ là người đàn ông đầu tiên dìu cô gái đến ngồi kế anh là “bạn trai” của cô gái, nhưng một lúc sau có người thanh niên khác lại ngồi chăm sóc cô gái, một lúc sau lại một thanh niên khác. Anh ấy cười và nói, sau những thay đổi người chăm sóc cô gái như vậy, anh cũng ước mình cũng sẽ là một trong số những thanh niên để chăm sóc cho cô gái, nhưng nghĩ đến việc Matt nói ở đây hay có đánh nhau vì liên quan đến việc “chăm sóc” các cô gái nên anh bạn tôi chỉ nhìn “thèm” mà thôi ☺.
Matt cũng quay lại, tôi nói với hai người là “Mình về thôi” vì ngày mai tôi sẽ đi thăm Tiger’s Nest và cần “dưỡng sức”.
Cả ba bước ra bên ngoài, trời khá lạnh, Matt nhanh chóng tìm một taxi và nói với 2 chúng tôi “Hai anh về trước, em có gặp mấy đứa bạn… ” và sẽ về sau.
Tôi và anh bạn lên xe, chỉ hơn 5 phút, xe đã đưa chúng tôi về tới nơi “cư trú” . Giấc ngủ đêm đầu tiên đến thật nhanh và tôi đã ngủ thật say.
Giá của “Đổi mới”
Nhà Vua đời thứ 5 của Bhutan, ông Jigme Khesar Namgyel Wangchuck , năm nay 34 tuổi. Lấy vợ năm 31 tuổi và cưới một thần dân Bhutan bình thường. Cuộc tình của nhà Vua Bhutan là một câu chuyện cổ tích, ông gặp Hoàng Hậu vào lúc cô ấy 7 tuổi trong một lần đi picnic. Nhân duyên đã ghép hai người lại với nhau từ đó. Nhà Vua nói với cô bé 7 tuổi : “sau này người lớn lên ta muốn cưới người làm vợ của ta , với điều kiện đến lúc đó chúng ta vẫn còn tình cảm với nhau “. Họ giữ liên lạc với nhau gần 15 năm, sau đó và nhà Vua đã cưới đúng người yêu thương và hò hẹn với nhau từ khi Hoàng Hậu mới 7 tuổi !.
Vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, được giáo dục từ nền giáo dục Hoàng Gia Bhutan và nền giáo dục Tây phương. Ông theo học và tốt nghiệp tại đại học Oxford Anh về công vụ ngoại quốc và cao học chính trị. Ông đã theo học ở Phillipin và Massachusetts ở Mỹ.
Ông về nước năm 2007 và được Vua cha truyền ngôi vào năm 2008.
Vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã sống và học tập ở phương tây, hiểu rõ giá trị dân chủ, tự do phát triển và sức mạnh vật chất ở Phương tây cũng như hiểu biết rất tường tận thần dân của quốc gia mình. Ông cũng hiểu được rằng phải mở cửa đón nhận văn minh nhân loại, cho người dân tiếp cận những khai phá mới của nhân loại nhưng làm sao để không mất nét riêng đã làm nên một Bhutan huyền bí và thuần khiết của miền đất Phật.
Ông đã cho mở cửa với Internet, điện thoại di động và truyền hình cáp có cả các kênh nước ngoài. Ở thủ đô Thimphu, tại các khách sạn, ngoài 2 kênh truyền hình của chính phủ, có thể xem các phim Star Movie, HBO, Sport, BBC từ truyền hình cáp.
Đắn đo việc mở cửa phát triển du lịch có thể làm “nhiễm” văn hoá phương tây đến với người dân nên việc mở cửa này diễn ra rất chậm chạp. Khách du lịch muốn đến Bhutan, thủ tục xin visa rất khó khăn và phải trả cho chính phủ từ 200 đến 250 USD cho một ngày cư trú ở Bhutan.
Rồi chính phủ cũng cho phép một vài “dịch vụ” thời mở cửa – Như Việt Nam chúng ta những năm 90 - , đó là mở Bar bán rượu cho du khách, mở vũ trường và các quán cà phê có hát hò về đêm. Tuy nhiên chỉ giới hạn đối với quán Bar và vũ trường chỉ hoạt động đêm thứ bảy hàng tuần.
Sự mở cửa với thế giới bên ngoài, Bhutan đã được gì và mất gì ?
Anh bạn đồng nghiệp của tôi nói rằng, trong tâm tư người Bhutan, chưa bao giờ có tính tham lam mặc dù họ rất nghèo nàn, khi họ giữ một vật dụng đắt tiền, họ lơ đãng và không nhớ mình đã để đâu chứ không có việc lấy cắp nó. Tuy nhiên gần đây, đã có một vài vụ ăn trộm tại Thimphu và điển hình, Matt đã bị trộm đột nhập vô phòng, lấy cắp 80% tài sản. (Một điều khá khôi hài và gây rối cho cãnh sát điều tra là kẻ trộm mở va ly của Matt nhưng không lấy tất cả, lấy tiền, đồng hồ, vài thứ trong ví, một số quần áo nhưng Ipad, điện thoại lại để lại).
Người dân tiếp cận văn minh và một phần trong số đó cũng sẽ vồn vập, lôi cuốn vào những giá trị mà nhà Phật gọi là “Tham, Sân, Si” . Mức độ nhiễm hoá này không nhanh và ào ạt như Việt Nam chúng ta (Tôi thật sự xấu hổ khi tôi nghĩ về người Việt mình như vậy), tuy nhiên điều này là không thể tránh khỏi.
Trong một lúc suy nghĩ, tôi thấy rằng, tính “Tham, sân, si” mà nhà Phật nêu ra, tôi mạo phạm suy diễn trong một chừng mực nào đó, nó không hề xuất phát từ tâm não con người mà nó sẽ hình thành từ “bản năng” con người nhiều hơn và những hành vi hình thành “Tham sân si”, nó không đáng bị kết luận như 3 từ này của nhà Phật .
Khi đến vũ trường vui chơi, phần lớn sẽ nghĩ chỉ giải trí để vui thôi. Nhưng trong không gian nhộn nhịp, mùi hương của nước hoa, sự lịch lãm của khách, sự cuồng nhiệt, va chạm nơi sàn nhảy… nhưng điều đó đưa bản năng con người đến với đam mê, với những ước muốn tận cùng và, tự nhiên điều này xuất phát từ bản ngã chứ chẳng liên quan gì đến “Tham sân si “ cả ! Như một phần của bản ngã, còn người lại tiếp tục với bản ngã bị đánh thức và rồi dần những hệ luỵ sẽ đưa con người đến “tội đồ” của “Tham sân si” !!!
Được gì và mất gì ? Tất nhiên, như quy luật, nếu Bhutan mở “toang” cửa ! Được và mất thì chúng ta cũng dể thấy thôi, kinh tế phát triển, người dân nhanh chóng tiếp cận văn minh, đời sống vật chất thay đổi nhanh chóng, và
Giá trị văn hoá sẽ đổi thay khá nhiều, giống như ngày nay, người ta phải pha trộn và hoà đồng văn hoá, không chỉ như ta nói văn hoá vùng miền sẽ pha trộn mà thậm chi phải chấp nhận là sự pha trộn văn hoá toàn cầu. Thí dụ như Facebook của ngày nay, là một loại văn hoá phổ biến toàn cầu!
Có những quốc gia, khéo léo hơn, phát triển và bảo tồn được văn hoá của mình, nhưng có những quốc gia thay đổi triệt để và làm mất luôn cội nguồn văn hoá của mình.
Tôi thấy người dân Bhutan còn nghèo lắm, họ chỉ ăn cơm với ớt xào chung với Cheese (phô mai) thôi. Hoàn toàn không có thịt cá gì, nhưng người ta vẫn hài lòng với cuộc sống đó. Tuy vậy tôi tin chắc rằng, người dân Bhutan sẽ thật sự hạnh phúc hơn nếu như cuộc sống của họ thật sự được nâng lên bởi chất lượng cuộc sống chứ không chỉ là giá trị tinh thần sẵn có.
Được và mất, so sánh giá trị kinh tế, các giá trị văn hoá khác đối trong với việc thay đổi nền tảng văn hoá đó là một điều khập khiểng và gần như là .. Không so sánh được. Giá trị kinh tế thay đổi, tăng lên hoặc giảm xuống có thể số hoá bằng bao nhiêu bao gạo, bao nhiêu trái bắp hoặc bao nhiêu $. Nhưng văn hoá, cội nguồn, nếp sống thay đổi thì làm sao quy ra được bằng số hay bằng giá trị để so sánh được ??.
Bhutan ngày này chính phủ chọn chỉ số GNH (Gross National Happiness) – Tổng giá trị hạnh phúc quốc gia, thay cho chỉ số GDP (Gross Domestic Product) – Tổng giá trị sản xuất quốc gia. Trong chỉ số GNH bao gồm 1. Phát triền bền vững ; 2. Bảo tồn và thăng tiến các giá trị văn hoá; 3. Bảo tồn môi trường thiên nhiên ; 4. Chế độ cai trị (quản trị) tốt đẹp.
Thật khó để nói điều nào là tốt đẹp hơn ? GDP hay GNH ? Người dân sẽ được đầy đủ cơm ăn áo mặc, xe hơi nhà lầu nhưng đối diện với stress, với bao nổi lo toan hàng ngày, được tận hưởng tới cùng của vật chất và áp lực !! Hay là người dân chỉ ăn ớt trộn phô mai nhưng sống trong cảnh quan thanh bình, thiên nhiên hiền hoà, lòng người không oán hận, không stress ???
Không ai, chắc chắn không ai được “quyền” hay “đủ thẩm quyền” để nói lựa chọn này hay hơn lựa chọn kia hoặc ngược lại ! vì nếu ai đó nói cái này hay hơn cái kia hoặc ngược lại thì thật sự là lố bịch bởi vì họ đã dám phán xét vào “tinh thần” của con người, mà con người “tinh thần hay ý chí của họ” là điều “Bất khả phạm”.
Trong mong ước của tôi – Tôi không phải là người ba phải – nhưng mong ước người Bhutan, ngoài việc quốc gia họ lựa chọn phát triển theo GNH, nhưng cũng cần pha thêm một chút lựa chọn GDP, nghĩa là không mở toang cửa, nhưng cũng cần mở he hé, giống như người ta nấu chè truyền thống vậy, trong ý thức nấu chè chỉ bỏ đường thôi, nhưng thử một lần bỏ một tí muối ! Vị ngọt của đường sẽ rất ngon hơn nhiều lần với chè chỉ có đường vậy đó.
ATM
19/10/2014