BHUTAN KÝ SỰ
BÀI 3
Đi tham quan Tiger’s Nest hay Tu viện Taktsang
Viếng thăm tu viện Taktsang nằm trong chương trình tới Bhutan của tôi. Như tất cả lời đồn đại là tới Bhutan mà không đi tham quan tu viện Taktsang nghĩa là “chưa tới Bhutan” ! Tu viện Taktsang với bao câu chuyện huyễn hoặc, huyền bí, lôi cuốn… , và tất nhiên tôi cũng không phải ngoại lệ.
7 giờ sáng điểm tâm, trò chuyện với người bạn đồng nghiệp. Theo lịch trình, sáng nay, Tôi, anh bạn, Matt và Mai, một cô gái Việt Nam cũng đang làm việc tại Bhutan sẽ cùng nhau lên đường đi tham quan tu viện Taktsang.
Xe đón chúng tôi đã sẵn sàng ! Matt uể oải vì cuộc đi chơi “thâu đêm“ nên đã xin lỗi không tham gia đi Tiger’s Nest được vì đã quá “phê” với “mọi thứ” đêm qua.
Chúng tôi lên đường lúc 8 giờ sáng. Đường đi từ Thimphu đến chân núi, nơi có tu viện Taktsang trên cao xa 80 cây số. Xe ô tô sẽ đi ngược lại đường đi về hướng sân bay Paro, từ Paro đi thêm 10 cây số nữa sẽ tới chân núi.
Tôi ngồi phía trước chiếc ô tô hiệu Pajero, bên cạnh là bác tài người Bhutan hiền lành, cẩn thận. Mai và anh bạn ngồi phía sau. Suốt chặng đường từ Thimphu đi Tiger’s Nest, tôi mải mê ngắm cảnh quan hai bên đường, thủ phủ Thimphu ngày chủ nhật đẹp quá ! Nhiệt độ bên ngoài 12 độ, thành phố gần như không thấy bóng người (Trời lạnh chui vào chăn mà ngủ chứ ra đường làm gì nhỉ ?). Hình ảnh quá thanh bình, hiền hoà. Chiếc ô tô vượt lên con dốc nơi khách sạn tôi ở, chỉ dăm phút đã đến trung tâm của thành phố rồi chạy ra đường highway (đường cao tốc ở Bhutan). Những khối nhà màu trắng, màu vàng chỉnh chu, yên lặng nằm ở các phố chính trong buổi sớm mai, vệt nắng mặt trời đầu ngày nhanh nhảu đã vượt qua được một đỉnh đồi, chiếu xéo vô các toà nhà và con đường trải nhựa, nhìn xa tắp một chút chỉ thấy toàn là núi đồi…. Bấm nút hạ thấp cửa ô tô xuống một chút, làn gió lạnh buốt tràn vào, táp vào mặt, chui vào mũi, tôi hít một hơi sương sớm trong lành, cảm xúc khoan khoái đến tê dại..
Xe đi khỏi Thimphu khoản 5 cây số, vào đường cao tốc, (nghĩa là đi vào đường đèo, trong bài viết đâu tiên tôi đã giới thiệu, đoạn đường quanh co từ Paro về Thimphu được nhà nước Bhutan ghi chú là đường cao tốc - highway), mà ở đất nước Bhutan này, giao thông bất cứ ở đâu cũng là đèo núi ! Nhìn về phía tay phải dưới vực, tôi thấy một con sông cạn bên dưới, nói là sông cạn vì là dòng sông nhưng nước nhìn thấy như rất ít, nhìn mắt thường có thể thấy các hòn đá nhỏ bên dưới, nếu như tiến gần hơn đến dòng sông chắc có lẽ sẽ thấy một vài con cá đang chạy nhảy hay nắm tay vui đùa với nhau dưới nước ! Điều đó cho thấy các dòng nước tự nhiên của Bhutan đã được con người gìn giữ trong sạch như thế nào.
Trên đường đi, tôi nói chuyện với Mai và anh bạn về cuộc sống, con người Bhutan, anh bạn tôi đã sống ở Bhutan gần 2 năm, gần như anh trở thành “người bản địa”, bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia, ăn uống nhạt, giảm đam mê, ngủ sớm dậy sớm và thích …. đi bộ leo đồi !
Tôi ngầm khâm phục anh vì những thay đổi khi sống ở Bhutan này, chí ít cách sống của anh chắc chắn có lợi cho sức khoẻ, thanh thản về tinh thần, tuy nhiên nghĩ đến những món ăn nhạt nhẽo, gia vị mà muối cũng không buồn bỏ vào trong món ăn, lòng tôi phân vân giữa đạo hạnh và …. tục phàm !
Đường đèo quanh co, cảnh quan sơn thuỷ, câu chuyện của tôi với Mai, với anh bạn cứ thế mà tiếp tục, bất chợt ngay sát bên đường cao tốc là một con sông nữa, lại một con sông cạn, kế ngay bên đường, dòng nước trong biếc – phải nói là trong vắt và xanh biếc mới đúng ! dòng sông lượn lờ đẹp vô cùng !
Đến dòng sông này là cửa ngõ để đến thị trấn Paro, nơi có sân bay chính của Bhutan. Từ Paro xe tiếp tục đi về phía đường đèo hướng về ngọn núi đá có tu viện Taktsang.
Ở Bhutan, hầu như các khu tham quan, khách đi bộ hoặc đi bằng ô tô thì tự tìm chổ đậu, dừng xe sao cho việc đậu, dừng của mình không làm ảnh hưởng đến giao thông chung. Tại chân núi đi lên tu viện Taktsang cũng vậy, quang cảnh ở đây rất giống đường đèo vào trong thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt. Các bãi đồi cỏ thoai thoải bên ngoài sẽ là nơi ô tô tìm chỗ để đậu lại.
Tôi có ý mời người lái xe cùng tham gia lên tham quan tu viện , nhưng Bác tài này từ chối khéo vì nói cần phải “trông xe”.
Đứng từ chân núi nhìn lên, nhìn thẳng đứng ! Toà nhà tu viện nằm một bên vách đá cao chót vót ! “Cao chót vót” là từ tôi miêu tả chính xác chứ không cường điệu . Tu viện nằm ở độ cao 3.000 m so với mặt nước biển hay ở độ cao 900 m so với bình độ của thung lũng Paro.
Đường lên núi.
Gọi đường thì ngoa quá ! Nói là lối mòn lên núi thì chính xác. Lối mòn này do nhiều người đi và giày dép làm thành đường mòn để đi chứ chẳng phải đường do ai làm hết. Nếu ai đó “hấp tấp” muốn mau mau đến chiêm ngưỡng tu viện thì hoàn toàn có “quyền” lựa cho mình một “đường” mới ! Cắt núi, leo, trèo thẳng để lên.
Dưới chân núi, có một số sạp bằng gỗ bán hàng lưu niệm, gậy gỗ cho du khách mua hỗ trợ cho việc đi lên núi ! Nét khác biệt so với những khu bán hàng lưu niệm ở các quốc gia khác như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Singapore là người bán sẽ mời khách mua. Ở đây muốn xem thì cứ xem, muốn mua thì phải hỏi. Mai cho biết, việc ngã giá là cần thiết vì người Bhutan nơi xứ Phật cũng đã biết “thách giá” .
Tôi, anh bạn và Mai tiến lên phía trước ! Anh bạn đe doạ tôi, đây là cuộc “trường chinh” đòi hỏi ý chí chứ không phải cuộc tham quan đơn thuần đâu. Thông tin tôi kiểm chứng sau này thì đường từ chân núi lên đến tu viện khoảng 4,5 km. Không khí loãng, đường đi gồ ghề, chỗ toàn là bột bụi , chỗ toàn là đá lổm chổm.
Đi khoản 500m, tôi thở dốc vì “mệt” quá sức ! Không phải là đi mà là leo lên, tôi mang một đôi giày vải rất êm và nhẹ, nhưng leo như leo cầu thang tre chứ chẳng phải đi bộ tà tà gì !
Anh bạn trở thành “người Bhutan” rồi nên không vấn đề gì với việc leo núi này. Mai đã đi 2 lần rồi nên cũng khá hơn tôi. Anh bạn cho tôi biết, nhóm trước của công ty đến Bhutan cũng đi Tiger’s Nest, có người chỉ mất 25 phút để hoàn tất chặng lên, có người mất 4 giờ. Tôi có thể tuỳ sức phân bổ, đi sớm về sớm hoặc đi tà tà về tối mịt cũng chẳng sao !
Tôi tự đưa ra “ý chí” cho mình là “leo” chậm lại, thật chậm, phân bổ hơi thở, bước chân sao cho “cân bằng”…. .
Đi đến 1/2 đoạn đường thì tôi dừng lại hẳn. Mặt xanh lè, xám xịt, Mai chụp một tấm ảnh lúc đó trông tôi thật là tệ ! Nhưng mà tệ thật, tôi thở gấp, tim đập 1000 nhịp/ phút, không khí loãng, tôi không đủ oxy để thở, tôi thở cả bằng mũi, bằng miệng mà không đủ, Mai nói tôi đừng uống nhiều nước, nhưng đi một chút tôi lại uống nước để bù nước mất (tôi tự nghĩ vậy), chai nước không còn giọt nào ! Tôi ngồi bệt hẳn xuống cạnh một tán cây to, thở phì phò rồi nhận thức là mình đang trong tình trạng “nguy cấp” !
Hai bạn đồng hành cũng lo lắng cho tôi. Họ cũng dừng lại ngầm ý là cứ nghỉ đã, từ từ tính tiếp, tôi thầm mừng vì họ không thúc tôi tiếp tục đi lúc đó.
Có rất nhiều du khách là người phương tây đang đi lên. Đi Tiger’s Nest là một phần trong hành trình du lịch của họ, họ biết phải leo núi cao, tất cả các du khách phương tây đều có 2 cái gậy leo núi chuyên nghiệp, rất nhẹ, rất đẹp, hỗ trợ tích cực cho việc lên hay xuống núi !
Đi Tiger’s Nest cũng nằm trong hành trình “du lịch” của tôi, mà tôi và rất nhiều người “không tây phương” khác đều đi tay không, hoặc như Mai đến chân núi mới quyết định mua 2 gậy gỗ. Có 1 cặp thanh niên nam nữ đang trên đường lên tu viện, trông họ tôi đoán là người Ấn Độ, họ đang đi lên, cô gái đi tay không nhưng chàng trai thì thở ì ạch và chống bằng một khúc gỗ rừng, vỏ gỗ xù xì và to đến chừng bằng bắp chân của tôi !
Điều đó cho biết, người phương tây họ văn minh, tính kế hoạch cao, họ thực tế chứ không phải như phần lớn “Á châu nhân” luôn nghĩ mình rất khoẻ, mình đầy ý chí, chiến thắng mọi thách thức và lên Tiger’s Nest chỉ là “chuyện nhỏ” !
Tôi lại “bái phục” một lần nữa ! Trong lúc tôi đang phì phò ngồi bệt dừng nghỉ trong chặng lên, thì một cặp đôi phương tây già nua, tôi nghĩ họ cũng phải 80 tuổi rồi, hai ông bà mặt mày nhăn nheo, mỗi người 2 gậy leo núi đang đi xuống ! Quá thán phục tôi hỏi họ đã lên tới chưa, họ nói đã đi từ sớm, đã tham quan tu viện và bây giờ là đi xuống !
Tôi thật là xấu hổ với sự "trai tráng" của mình !
Sự gắng sức bằng nhiều cách đã đưa tôi lên đến trạm dừng chân trước khi lên tu viện.
Ngồi quan sát tại trạm dừng chân đã cho tôi “nghiệm” ra rất nhiều nhận thức khác nhau khi đi tham quan Tiger’s Nest.
Tu viện Taktsang được xây dựng năm 1692 bởi Druk Desi Tenzin Rabye đệ tứ, một Phật pháp tu đạo vào thế kỷ 16, để tưởng nhớ Liên Hoa Sinh (Guru Padmasambhava) Phật pháp đã đến Bhutan vào thế kỷ thứ 7 độ trì cho chúng sinh Bhutan thoát khỏi các tà ma đạo gian ác. Tương truyền, khi tu viện được xây xong, Liên Hoa Sinh được một con hổ cái hoá thân đưa vào tu viện và ngài đã ngồi thiền liên tục 3 năm, 3 tháng, 3 ngày và 3 giờ !
Truyền thuyết hay thật sự Phật tổ đã đến Taktsang trụ trì, điều đó không quan trọng. Tu viện, Phật pháp hay sĩ tu thâm cao đạo pháp, tất cả cũng chỉ mong ước cho hậu thế, dân tình được an lành, khoẻ mạnh và hạnh phúc.
Lên Tiger’s Nest, chỉ cầu khấn về sức khoẻ và bình an thôi ! Không cầu tài, cầu lộc hay cầu con cái chi nhé ! Các đấng tối cao Phật pháp ở đây không “nhận các đơn cứu xét” về tiền tài lộc phúc, chỉ nhận các “đơn” về bình an, hạnh phúc và sức khoẻ mà thôi.
Người ngoại quốc “phương tây”, họ lên Tiger’s Nest để trải nghiệm đời mình bằng khám phá điều đặc biệt, điều mới lạ của một miền “đất lạ”. Họ đi lên Tiger’s Nest bằng hành trang chuẩn bị cẩn thận, giày, gậy, máy ảnh, sức khoẻ để khám phá một “di tích” đặc biệt ở quốc gia nằm ở dãy Himalaya. Với người Phương tây, yếu tố tâm linh và kỳ bí ở Taktsang không lôi cuốn họ bằng việc khám phá nét hùng vĩ của thiên nhiên, sự kiên nhẫn tài hoa của con người Bhutan 400 năm trước, bằng con người, bằng tay không, không có trực thăng, không có vận thăng hay xe cần cẩu, nhưng họ đã xây được một tu viện đẹp đẽ, hùng vĩ trên một vách núi đá cao 3000m ! Họ có một cái nhìn thán phục và trân trọng.
Một số khác, phần đông còn lại, người Ấn Độ, người Thái Lan, người Nhật, người Hàn Quốc, người Trung Quốc… “Á châu nhân”, đi Tiger’s Nest với bao nỗi niềm. Họ cầu mong lên đỉnh gặp Phật pháp để giúp cho mình có thật nhiều sức khoẻ, cuộc sống an bình hạnh phúc (Các nguyện cầu này chính nghĩa vì Phật pháp ngự trong Taktsang sẽ chấp nhận lời nguyện cầu này).
Một số vãng khách khác, cũng mong muốn hơn một chút, mong mỏi mình thoát khỏi cảnh hiếm muộn con cái, một số ít khác mong muốn mình sung túc, may mắn hơn với cuộc sống. Rất tiếc và buồn cho số vãng khách này, vì các đấng tối cao ở Tiger’s Nest không nhận những thỉnh cầu như vậy.
Một số vãng khách khác, ngoài việc thành tâm nguyện cầu cho đời mình hay cầu nguyện cho những người thân thương, họ lên Tiger’s Nest còn có ý nghĩa lớn lao vô cùng của một con người đó là “Vượt lên chính mình” ! Sẽ có niềm tự hào cá nhân đáng phải thêm vào đời mình khi kể lại với người khác là chính mình đã chinh phục Tiger’s Nest. Vượt qua mọi thử thách của độ cao, của không khí loãng, của sự thiếu oxy, của bậc đi lên là những mỏm đá nhọn hoắt, những viên đá trơn trợt có thể làm cho mình ngã xuống vực sâu về luôn với Phật. Một trong nhiều người đồng nghiệp trong công ty tôi, không giấu nổi tự hào, “đã lên Tiger’s Nest nhiều lần”, “Dù đứt hơi nhưng cuối cùng cũng lên đến nơi”… Sự tự hào về sức lực và ý chí chiến thắng chính mình. Tôi không nghe ai kể với tôi họ đã mong ước gì trên Tiger’s Nest hoặc đã nghĩ tương tự như tôi đã nghĩ : “Tu viện Taktsang hùng vĩ, tuyệt vời ! Tôi kính trọng những con người Bhutan xưa và cả những con người Bhutan nay, họ đã xây dựng và gìn giữ một kỳ quan của Bhutan”.
Xuống núi
Lên núi “kinh hoàng” như thế (với tôi thôi), còn đi xuống thì sao ?
Cũng con đường đó, chiều dài đó, cứ từ từ bò xuống sao lại phải viết ! Đơn giản nếu có “Ngộ Không phép” thì có thể không theo lối mòn mà nhảy từ đồi này qua đồi khác rồi xuống thôi chứ có gì ?
Đi xuống cũng vất vả kinh hồn ! Đi xuống không mất sức để “leo” thôi, nhưng đường đi lổm chổm, nếu như leo lên phải căng cơ của chân để để đẩy thân hình tạ lên thì bây chừ phải chùn chân để chịu thân hình tạ không nhào xuống vực về với…. Phật.
Xuống tới đồng bằng, ôi chân của tôi, hai bắp chân đau quá ! Tôi không còn hứng thú để ghé lại các gian hàng quà lưu niệm, mặc dù tôi bước ngang qua đó ! Mai nói ở đây họ nói thách, nên về Thimphu vì Thimphu cũng có bán các sản phẩm tương tự. Nghe lời Mai tôi đi thẳng về xe – Chính vì vậy mà tôi không mua được những món đồ lưu niệm của Bhutan – Tôi sẽ viết ở một bài sau.
Lên xe ô tô và cứ Thimphu thẳng tiến, cảnh quan bi chừ nào phóng nổi vào hai con mắt của tôi được nữa ! Tôi ngủ thiếp đi trên xe cho đến khi về gần tới Thimphu. Tôi về khách sạn hơn 5 giờ chiều.
Tối nay, tôi có một buổi ăn tối chung với anh em nhân viên và quản lý một dự án khách sạn 5 sao do công ty tôi thực hiện tại Thimphu. Chân đau buốt, về đến khách sạn, tôi tắm rửa để chuẩn bị tinh thần cho buổi ăn tối họp mặt sắp đến.
Mặc dù đã ngủ suốt đoạn đường từ chân núi Phật về Thimphu, trong lúc chờ đến giờ đi ăn tối, về chiều thời tiết se se lạnh, giường nệm êm quá … tôi ngủ tiếp !
ATM
19/10/2014