BÀI 1
Đi Bhutan
Tôi tới Bhutan trong một chuyến công tác. Chuyến bay từ Thái Lan bắt đầu 9 giờ sáng, sau 3 tiếng 30 phút, máy bay dừng lại ở phi trường Padogra thuộc Ấn Độ. Quá cảnh tại phi trường này trong 40 phút và ngồi tại chổ trên máy bay. Một số hành khách sẽ xuống phi trường này và một số hành khách khác lên máy bay để tiếp tục đi chặng cuối đến phi trường Paro thuộc Bhutan.
Nhìn qua cửa sổ, phi trường Padogra này trông hoang vu và nhỏ bé, giống như phi trường Ban Mê Thuộc của Việt Nam vào những năm 90. Qua cửa sổ, toàn bộ việc vận chuyển kéo các rơ mooc hàng hoá, kéo các cầu thang đến máy bay đều sử dụng bằng những chiếc xe máy cày !
Hãng hàng không Drukair của Hoàng Gia Bhutan, thông qua một người bạn người Bhutan nói rằng hãng này có tổng cộng 4 chiếc máy bay, sử dụng 2 chiếc cho thương mại, 1 chiếc dành cho Hoàng Gia và còn 1 chiếc để sẵn trong kho, nếu có sự cố gì với 3 chiếc kia sẽ đem ra sử dụng.
Tuy là một hãng hàng không nhỏ so với nhiều hãng hàng không “vĩ đại” khác của thế giới, với chặng bay từ Thái Lan về Bhutan gần 5 giờ ( 3,5 giờ chặng đầu, quá cảnh 40 phút tại Ấn Độ và chặng cuối 30 phút), nhưng hãng hàng không này tổ chức thật hoàn hảo và không có điều gì phải phàn nàn. Các tiếp viên hàng không Drukair với bộ “quốc phục” Kira truyền thống của Bhutan, trông các cô thật duyên dáng. Trên chuyến bay việc phục vụ bữa ăn nhẹ với 2 lựa chọn, một phần ăn truyền thống Bhutan hoặc một phần ăn phổ biến mà người Việt có thể ăn được. Tiếp viên hàng không làm việc nhẹ nhàng, yên lặng và trao đổi với hành khách với âm lượng rất nhỏ và nhẹ, vừa đủ cho người đối diện nghe. Với các nụ cười nhẹ nhàng và thân thiện, trong suốt chuyến bay của Drukair, không hiểu mọi hành khách đi chuyến bay này đã sẵn tâm cho một chuyến viếng về miền đất Phật hay sao mà thời gian ngồi trên máy bay hầu như thật yên ắng, lắng đọng, rất ít nghe các âm thanh nào khác từ hành khách ngoại trừ các hoạt động của đội tiếp viên hàng không Drukair .
Trong tiếng Bhutan, ngôn ngữ chính gọi là Dzongkha, chữ Druk có nghĩa là con Rồng, Rồng được dùng làm biểu tượng của Bhutan (Còn một biểu tượng nữa mà tôi sẽ nói sau) và đồng thời còn là biểu tượng của Hoàng Gia Bhutan, vì vậy hãng hàng không này lấy tên là Drukair.
Bay từ Padogra đi Paro
Chặng cuối của Adrukair từ phi trường quá cảnh Padogra thuộc Ấn Độ đến Paro kéo dài từ lúc cất cánh lấy độ cao và hạ xuống sân bay Paro chỉ trong vòng 25 phút, nhưng đây là một chặng bay trải nghiệm đầy thú vị. Thông tin tôi tìm được nếu đi đường bộ từ Padogra đến Paro khoản 340 km, nếu đi bằng xe thì khoản 7 giờ còn bay thì chỉ 25 phút thôi.
Khi máy bay bắt đầu rời đường băng khỏi Padogra, lấy độ cao, các tiếp viên phát cho mỗi hành khách một viên kẹo, cơ trưởng sẽ giới thiệu bằng tiếng Anh sơ bộ việc bắt đầu đi vào không phận Bhutan, hành khách có thể nhìn ra ngoài cửa sổ sẽ thấy máy bay đang bay vào một vùng toàn là núi và … núi !
Sau khi cơ trưởng giới thiệu về hành trình bay về phi trường Paro, không gian trong khoang máy bay tự nhiên im ắng hoàn toàn, chỉ nghe tiếng ầm ì của động cơ. Hãng hàng không Drukair lúc này sẽ phát một loại âm thanh không lời, nghe nhẹ nhàng và mơ hồ ! Ban đầu tôi tưởng đây là một loại nhạc “không lời “ của Bhutan ! Nhìn qua cửa sổ (tôi ngồi sát cửa sổ), một cảm giác sợ bắt đầu dần dần xâm chiếm !!! Cảm giác nhìn về phía trước, lúc nào thật sự cũng thấy hình như một bên cánh máy bay đang nhào tới, sắp sửa va quẹt hay đâm thẳng vào một sườn núi nào đó !
Hôm nay thời tiết rất tốt, trời trong xanh và đầy mây trắng bồng bềnh, máy bay cứ thế ngoặc qua, ngoắc lại, vòng vèo giữa các ngọn núi, vừa ngoắc qua một đám mây trắng toát, không thấy gì ngoài một màu trắng, rồi cảm giác thót tim ào đến, máy bay vừa “chui” ra khỏi đám mây thì phía trước mặt là một trái núi sừng sững ! Phi công cứ chơi trò vờn như vậy vài chục hiệp, máy bay dần dần hạ độ cao, ngoặc qua 1 ngọn núi và tiếp tục hạ độ cao.
Không khí trên tàu đặc lại, điệu nhạc không lời cứ nhẹ nhàng tuôn ra, qua hơn hai mươi phút hồi hộp, bất ngờ trước mặt là một cánh đồng lúa chín vàng và phía trước là một ngọn đồi thấp, máy bay bay dọc theo đồng lúa vàng và viên phi công dày dạn kinh nghiệm đáp xuống đường băng nhẹ nhàng cũng giống như ông ấy lã lướt giữa những núi đồi khi bắt đầu vào quốc gia Bhutan.
Âm thanh trên tàu phát ra khi bắt đầu bay vào không phận Bhutan cho đến khi máy bay hạ xuống phi trường Paro đó chính là kinh Phật của Bhutan chứ không phải một loại nhạc “không lời” nào như tôi toan nghĩ. Hãng hàng không Drukair chỉ có đúng 7 phi công được phép lái máy bay hạ xuống phi trường Paro. Việc đến Bhutan một ngày chỉ có 1 đến tối đa 3 chuyến bay quốc tế đến phi trường Paro và phải diễn ra từ 11 giờ sáng đến trước 3 giờ chiều. Trong hành trình bay từ Thái Lan về Bhutan, việc quá cảnh tại Padogra không phải vì “hết xăng” hay cần rước thêm hành khách để kiếm thêm $ mà việc dừng lại ở đây để kiểm tra thời tiết đảm bảo cho hành trình cuối cùng về Paro.
Đến Bhutan
Đường băng phi trường Paro ngắn như đường băng phi trường Phú Quốc của Việt Nam. Nếu Bác tài lái máy bay không tập trung mà để máy bay đáp xuống không đúng vị trí quy định thì chắc chắc máy bay còn trớn sẽ đâm thẳng vô cánh đồng lúa trước mặt và mắc kẹt ở đó hoặc hơn nữa thì chạm vào chân núi để dừng lại ! (với đường băng ở Phú Quốc thì máy bay đi thẳng .. xuống biển cho mát).
Sau khi hết đường băng, Bác tài sẽ cho máy bay vòng lại trên chính đường băng này, đi đến đoạn giữa sẽ có một ngã ba và máy bay tiến vào sân đậu.
Phi trường Paro chỉ có vài máy bay lên xuống hàng ngày nên sân đậu máy bay chỉ cách phòng tiếp đón hành khách khoản 100m. Xe thang đến cập vào máy bay, hành khách đi xuống thang và đi bộ vào trong nhà đón tiếp.
Đập vào mắt mọi hành khách tại sân bay, bên cạnh cánh cửa vào nhà đón tiếp là một bức tranh lớn, rất là lớn là hình ảnh của King & Queen của Bhutan với trang phục truyền thống. Vị vua đời thứ năm của Quốc gia Bhutan. Vị vua này rất trẻ, và Hoàng hậu cũng rất trẻ, theo google thì Hoàng hậu chỉ mới 23 tuổi. Vị Vua và Hoàng Hậu đời thứ năm này là những người được giáo dục tại Bhutan và tại các quốc gia Tây phương. Họ là thế hệ đầu tiên bắt đầu “mở” ra những tiếp cận, thay đổi cho quốc gia “cổ” này. Tôi sẽ đề cập ở phần sau.
Vào nhà đón tiếp, sẽ gặp ngay một sảnh nhỏ chừng 150m2 đây là nơi làm thủ tục nhập cảnh Bhutan. Có 4 quầy bằng gỗ, mỗi quầy có 2 nhân viên 2 bên - à không, chắc họ là cán bộ an ninh của Bhutan vì họ mặc đồng phục và không đeo cấp hiệu – Họ là những người sẽ sẽ làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách.
Thủ tục nhập cảnh vào Bhutan, ngoài hộ chiếu và Visa còn hiệu lực, bạn phải có 2.400 Nu (tiền Bhutan – tương đương 40 USD) để nộp lệ phí vào Bhutan. Tôi không rõ lệ phí gì, và ngay khi vào sảnh đón tiếp, bên tay trái có một quầy nhỏ của Drukbank (ngân hàng hoàng gia Bhutan) sẵn sàng đổi từ USD ra tiền Nu hoặc có 1 máy ATM để bạn rút tiền Nu.
Thủ tục nhập cảnh rất nhanh, gọn lẹ, bạn mất chưa tới 2 phút để qua cửa nhập cảnh sau khi trình giấy tờ và nộp 2.400 Nu. Có một biên nhận cho việc nộp tiền này.
Sau đó, đi qua một sảnh khác là quầy hành lý, tôi lấy hành lý và đi qua một bộ phận kiểm soát hải quan, soi hành lý trước khi đến cửa ra khỏi sân bay.
Tôi loay hoay lo việc đổi tiền để nộp lệ phí, hoặc là khách đến Bhutan trên chuyến bay này quá ít, hoặc là thủ tục nhập cảnh quá nhanh mà tôi là người cuối cùng lấy hành lý và tiến đến quầy soi xét hải quan.
Không rõ, thật sự không rõ nguyên nhân gì mà đến khi tôi viết ký sự này vẫn còn đọng lại một chút tự hào, vui, lân lân vì tôi là người Việt Nam.
Tôi mang lĩnh kỉnh một va ly hành lý, đeo một cái cặp và một thùng đồ to do công ty gởi dùm các dụng cụ cần thiết cho công việc (Công ty tôi thành lập một công ty liên doanh tại quốc gia này). Khi tôi tiến đến quầy hải quan, trình passport và chuẩn bị đưa hành lý vào máy soi, một cán bộ Hải quan hỏi tôi đến từ đâu ? Tôi nói “Việt Nam”, viên quan chức này nhìn sơ qua passport của tôi và bảo tôi đi thẳng, không cần phải soi xét gì cả !!!
Tôi có một người bạn thân, vừa có một chuyến đi làm việc ở Châu Âu, tại một phi trường Châu Âu, bạn ấy kể với tôi rằng, có một biển báo in bằng tiếng Việt (dành riêng cho người Việt), biển báo ấy ghi rằng “Người Việt phải khai báo hải quan rõ số tiền bạn mang theo nếu không muốn bị tịch thu và vướn vào pháp luật ”. Tôi muốn gởi câu chuyện này đến với người bạn thân của tôi, “ Người Việt chúng ta, ở nhiều nơi của thế giới này, vẫn được trân trọng và chúng ta có quyền tự hào về điều này”.
Đường về thủ đô Thimphu
Công ty tại Bhutan đã bố trí người đón tiếp tôi tại cửa ra phi trường Paro. Tại cửa ra, một nhân viên mặt đồ Kira truyền thống tiến đến tặng tôi một chiếc dải khăn trắng với giải thích, theo tục lệ của người Bhutan, khi chào người mới đến, tặng khách dải khăn trắng thì đây là quà biểu tượng của bình an và may mắn. Chúng tôi bắt tay thật vui vẻ. Tôi cảm nhận hạnh phúc.
Sau đó xe đưa tôi từ phi trường Paro về thủ đô Thimphu của Bhutan.
Đoạn đường từ Paro về thủ đô Thimphu dài 70km, toàn bộ đường đi giống hết như đoạn đường quốc lộ 20 của Việt Nam đoạn từ đèo Prenn lên Đà Lạt, toàn bộ 70 cây số đường vòng vòng qua mấy ngọn núi. Theo người Bhutan, đường chim bay từ Paro đến Thimphu chỉ 25km, tuy nhiên vượt qua mấy ngọn núi phải đi bằng ô tô và phải chạy vòng vèo đến 70km chứ không thể “cưỡi” qua các đỉnh núi được.
Đoạn đường từ Paro đến Thimphu được ghi bảng là Highway, nhưng mặt đường chỉ nhỏ cỡ bằng con đường đèo Tô Na đi từ Gia Lai về Tuy Hoà. Đường đèo vòng vèo hiểm trở và bề rộng chỉ vừa đủ 2 làn xe, chất lượng mặt đường trung bình và không có taluy xây cao cho an toàn.
Tuy vậy, nhưng suốt đoạn đường từ Paro đến Thimphu, tôi không nghe thấy bất kỳ một tiếng còi nào, chưa thấy bất kỳ một ông lái xe nào “hấp tấp” như tôi, vội vàng hay tìm cách “vượt qua mặt” xe khác ! Đây là một tính cách đặc biệt nữa của người Bhutan. Tôi nghĩ tôi sẽ tìm hiểu và viết rất nhiều trong ký sự chuyến đi Bhutan này.
Gần 1 giờ 30 phút, xe đưa tôi về một khách sạn tại thủ đô Thimphu. Tôi đã đến thủ đô của đất nước được nêu tên “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” !!
Quốc gia này đã có những gì để mọi người dân được hạnh phúc và được thế giới công nhận hạnh phúc nhất ?
Chắc chắn ngày mai tôi sẽ bắt đầu tìm hiểu, khám phá để đi đến “chân” của hạnh phúc ! Tôi làm điều lớn lao quá nhỉ ☺
Tôi sẽ khám xét và phá tan u mê của mình.
Atm. Thimphu 10/11/2014