TRỞ LẠI YANGON
Tôi trở lại Yangon sau 2 năm đến đây ! Những thay đổi của Quốc gia này thật bất ngờ đối với tôi. Ấn tượng đầu tiên đó là số lượng xe hơi ở Yangon tăng khủng khiếp, có thể nói tăng gấp 5 lần 2 năm trước đây ! Thành phố lúc nào cũng chật cứng như nêm, xe hơi là xe hơi ! Đi từ sân bày về trung tâm thành phố trước đây chỉ mất 30 phút, bây giờ là 1 tiếng đồng hồ. Buổi sáng xe đón từ khách sạn đến văn phòng công ty ở Yangon, trước đây chỉ đi 15 phút, bây giờ là 45 phút. Nhìn dòng xe kẹt mà ngao ngán như 6 giờ chiều vào trung tâm Sài Gòn mùa Tết !
Điểm ấn tượng thứ hai, sự thay đổi “chóng mặt” khi Myanmar mở cửa với thế giới, tốc độ “hạ tầng hoá” về xây dựng, đầu tư nở rộ ! Tất cả những khu đất êm đềm cả trăm năm từ khi còn là “thuộc địa” của Anh, những con phố xanh mướt cây xanh, những khu nhà ẩn mình trong những vườn cây rộng lớn bổng chốc chuyển mình mọc lên thành nhưng khách sạn từ trung bình đến sang trọng 5 sao! Những toà nhà xa xưa (như thương xá Tax Sài Gòn) bổng chốc đâu các nhà đầu tư tới, mua bán cải tạo lại để trở thành Sun Peninsula, Park Royal, Sedona.. ngay giữa trung tâm Yangon !
Tôi lên cao ốc Sakura tầng 20, nơi này có thể nhìn bao quát thủ đô cũ Yangon của Myanmar, ở đâu cũng có các cần cẩu vươn cao đang xây dựng các tòa nhà, cao ốc văn phòng hay khách sạn. Ngồi café Bistro tại tầng 20 tòa nhà này, nghe một anh bạn đã ở đây nhiều năm nói rằng tốc độ phát triển của Myanmar lúc này đang rất “nóng” ! Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội làm ăn ở đất nước này đang là lúc “hot” nhất ! Những ai kịp nhảy vào Myanmar xí giành ngay cơ hội, thì lúc này chính là thời cơ!
Có cơ hội thì đương nhiên thách thức sẽ đi kèm. Phát triển ồ ạt, hạ tầng không đáp ứng kịp, kẹt xe, tắt đường, internet chập chờn, thành phố quá tải về điện, thiếu điện, lúc sáng lúc tắt ! Một công trình thi công khách sạn 5 sao tại Yangon, tại khu vực đại sảnh, từng nhóm các đội thi công đặt mấy thanh đèn néon để chiếu sáng lập loè thi công từng khu nhỏ !!. Tình trạng cũng giống Việt Nam thời kỳ đầu mở cửa những năm 1990 – 1998, thiếu thốn đủ thứ về điều kiện hạ tầng.
Một điểm đáng nói ở đất nước này là có những quyết định của chính phủ, phải gọi là “táo bạo” hay “kỳ lạ” ! Mynamar từng là thuộc địa của Anh, nên nên văn hoá ảnh hưởng của Anh rất nhiều. Trước năm 2005, giao thông trên đường phố là đi phía trái đường và ô tô sẽ sử dụng xe có ghế lái bên phải. Việc này theo văn hoá thuộc địa đã có cả trăm năm trước và thuận lợi hơn nữa là giao thông bên trái này giống “nước Nhật Bản” ! Việc giao bên trái đã giúp Myanmar có cơ hội nhập khẩu dòng xe đã qua sử dụng của Nhật Bản, vừa rẻ tiền vừa phù hợp hướng tay lái. Cho đến hôm nay, Myanmar thật sự trở thành nơi thiêu thụ “xe rác” của Nhật nhiều nhất trên thế giới. Người Nhật hầu như đã bán toàn bộ các thế hệ xe “bình dân” đã qua sử dụng cho Myanmar. Người Nhật không những đã bán được ô tô cũ với giá hữu nghị mà còn giải quyết được các nghĩa địa xe cũ của mình !
Năm 2005, giới lãnh đạo quân sự của quốc gia này, tướng Aun ra một quyết định, nước Myanmar kể từ đây, giao thông đi bên phải cho giống…. Việt Nam !. Bây giờ, Myanmar vẫn tiếp tục tìm mua các xe đã qua sử dụng của Nhật bản, các xe đã mua, đang mua và tiếp tục mua đều có tay lái bên phải, mà chạy ở đường kiểu Việt Nam nên đến 99,9% ô tô lưu thông ở Myanmar hiện tại là “ Tay lái nghịch” !
Ngồi trên ô tô ở Yangon, tài xế phóng ào ào mà khách không khỏi máu xám mặt xanh ! Người lái không thể nào nhìn thấy bên trái phía trước để qua mặt, vì thế thì cứ qua mặt bên phải, hoặc đánh võng để thấy phía trước rồi qua mặt bên trái theo đúng luật vượt xe !
Sau 2 năm tôi quay lại Yangon, xe ô tô bây giờ là một vấn nạn với thủ đô cũ này của Myanmar ! Xe dày đặt trên phố giống như như mô hình xếp xe đồ chơi, muốn đi lại ở Yangon thì phải hết sức nhẫn nại, từng chiếc ô tô lách qua lách lại 5 km/g để tiến lên phía trước ! Khi có đoạn đường nào thoáng một chút thì bác tài sẽ vọt
hết ga” , chơi mát 90 hay 100km/ giờ ! Nhưng một điều mà tôi hay những người sống trong thời đại mới này phải học tập người Myanmar, đó là họ rất bình thản, kiên nhẫn đến kỳ là, họ không hề than phiền khi ..kẹt xe.
Myanmar mở cửa được vài năm lại đây, nhưng chính phủ cũng nhận biết những bất trắc của vấn đề giao thông. So với Việt Nam thì họ cũng đã học được kinh nghiệm nhanh hơn ta, việc xây cầu vượt, tuyến tránh họ đã bắt đầu làm ngay từ bây giờ, chứ không đợi đến hơn 20 mươi năm sau mở cửa Việt Nam ta mới bắt đầu tìm các giải pháp cầu vượt “tạm” tại các đô thị lớn như Sài Gòn hay Hà Nội. Tại Yangon, các cây cầu vượt là cầu vượt bê tông cốt thép vĩnh cửu xây dựng rất kiên cố ! Có lẽ họ quy hoạch “chắc cú” và làm một lần chứ không chỉ là giải pháp tạm thời làm gấp chống kẹt xe rồi sẽ “tháo dỡ” để làm mới lại cho thêm phần tốn kém như ở Việt Nam.
Hai ngày làm việc ở Myanmar, trực tiếp đến công trường, trao đổi với cán bộ quản lý người Việt, tiếp xúc với các nhân viên người Myanmar. Đặc điểm chung là người Myanmar họ hiền hậu, chậm chạp và không có các kỹ năng mềm cần thiết để lao động. Nếu như chúng ta than phiền người Việt ít kỹ năng để “vào đời” , các kiến thức ở trường đại học, hay kiến thức trường học không giúp ích gì nhiều cho người đi làm. So sánh những điều này với con người ở Myanmar thì người Việt chúng ta ăn đứt.
Người Myanmar cũng giống như người Bhutan mà tôi đã từng đề cập trong một ký sự. Họ không bị lôi cuốn hay áp lực trong việc phải đi làm, phải lao động thật chăm chỉ để kiếm thật nhiều tiền hay tìm cơ hội đổi đời. Công nhân bảo gì họ làm nấy, ngày mai nếu không hướng dẫn thì họ quên họ phải làm gì. Chỉ việc tận tay, nhưng lơi ra thì họ làm sai hết. Các công trình thi công mà giao cho lao động địa phương thì thất bại 100%, họ hoàn tất nhưng chất lượng thì không thể chấp nhận được. Một số chủ đầu tư giàu có người Myanmar, họ không chấp nhận việc thực hiện các dự án của họ mà dùng công nhân người Myanmar !
Nhân viên văn phòng cũng vậy, họ hầu như thiếu các kỹ năng mềm trong công việc, thường không tập trung và ít kỷ luật với công việc. Họ chưa quen môi trường chuyên nghiệp, tính cam kết không có, và đặt biệt nhất, nếu như khiển trách thì ngày mai họ sẽ nộp đơn và nghỉ việc ngay và luôn ! Không hề buồn bã hay giận dữ gì hết !
Ban quản trị công ty có yêu cầu những người Việt đi làm việc ở Myanmar thì phải “nhập gia tuỳ tục”, phải theo văn hoá của người Myanmar để có thể làm việc chung với người địa phương. Tuy vậy, đến giờ này, sau hơn 2 năm đã đầu tư vào Myanmar, cán bộ người Việt vẫn chưa “hoà nhập” được với người Myanmar được. Với kết quả này, tôi vẫn phân vân, người Myanmar “nặng” bản sắc văn hoá của mình, “Lì” thay đổi … hay người Việt chúng ta cũng “nặng” bản sắc văn hoá của mình, chỉ biết áp đặt, võ đoán, không lắng nghe, không chia sẻ nên rồi vẫn thấy “Chúng ta không hợp văn hoá, không hợp cách làm việc của người Myanmar” !
Tôi không nghĩ mình có thể làm tốt hơn, nhưng âu người nào trên trái đất này, nếu họ được chia sẻ, được lắng nghe, được khuyến khích, được tôn trọng, ắt hẳn họ đều muốn, đều sẵn lòng hợp tác, thậm chí họ sẽ sẵn lòng “hy sinh” … nghĩa là họ sẽ làm hơn cả những gì mà họ đáng được nhận lại !
Hai ngày làm việc vội vã quá ! Tôi ra sân bay Yangon và trở lại Việt Nam, chẳng biết những nhận thức của mình về Myanmar với những đổi thay nhanh chóng có hấp dẫn tôi quay trở lại nơi này ? Tôi thấy nhớ Việt Nam mình, có lẽ không phải nhớ nơi ở đã quá quen với hàng ngày tôi sống, mà chắc tôi đang nhớ những con người tôi yêu thương ….
ATM
Yangon 11/12/2014